Hướng tới chuẩn quốc tế trong kiểm định chất lượng giáo dục

Thục Khuê (t/h) - Thứ năm, ngày 29/05/2025 00:00 GMT+7

Khoảng 7.500 đại biểu từ hơn 200 điểm cầu trên cả nước vừa tham dự hội nghị tập huấn kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT tổ chức, với mục tiêu nâng cao nhận thức, thống nhất hành động và thúc đẩy hội nhập quốc tế trong công tác đánh giá chương trình đào tạo.

Hướng tới chuẩn quốc tế trong kiểm định chất lượng giáo dục
Quảng cảnh hội nghị (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị tập huấn quy mô lớn về công tác tự đánh giá và đánh giá ngoài chương trình đào tạo, thu hút sự tham gia của khoảng 7.500 đại biểu đến từ hơn 200 điểm cầu trên cả nước, bao gồm cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, cán bộ đảm bảo chất lượng của các cơ sở đào tạo, đại diện các tổ chức kiểm định, cùng nhiều chuyên gia trong và ngoài nước. Mục tiêu trọng tâm là định hình lại tư duy về kiểm định chất lượng, từ đó thúc đẩy giáo dục Việt Nam tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

Phát biểu tại hội nghị, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương nhấn mạnh, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều chủ trương lớn nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, kiểm định chất lượng không chỉ là yêu cầu bắt buộc mà còn là cơ hội vàng để hiện đại hóa hệ thống giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Cùng với hội nghị, Bộ GD&ĐT đang đồng thời hoàn thiện Đề án dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính trị về hiện đại hóa và đột phá phát triển giáo dục – đào tạo. Bên cạnh đó là quá trình sửa đổi ba luật quan trọng: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp, đồng thời xây dựng mới Luật Nhà giáo nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ và hiện đại.

Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT cũng đang sửa đổi Thông tư số 04/2025/TT-BGDĐT ban hành ngày 17/02/2025, quy định về kiểm định chương trình đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học. Thông tư này được xây dựng theo định hướng tăng cường hội nhập khu vực và quốc tế, nhằm thay thế các văn bản hiện hành đã không còn phù hợp.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, kiểm định chất lượng giáo dục hiện nay không chỉ đơn thuần là công cụ đánh giá mà phải trở thành nền tảng cốt lõi để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của các chính sách đổi mới giáo dục. “Từ tư duy đến hành động, chúng ta cần xây dựng văn hóa chất lượng thực sự trong từng cơ sở đào tạo, với kết quả đánh giá, xếp hạng phản ánh đúng thực tế và nhất quán” - ông Chương chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Cục trưởng Huỳnh Văn Chương đã phổ biến những điểm mới nổi bật của Thông tư 04, trong đó chú trọng quy trình tự đánh giá, đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận chương trình đào tạo. Thông tư này cũng tích hợp các nội dung từ các văn bản hướng dẫn hiện hành để thống nhất áp dụng, đồng thời bãi bỏ các tiêu chuẩn đánh giá dành riêng cho các ngành đặc thù và đào tạo từ xa không còn phù hợp với cách tiếp cận hiện đại.

z6649237235179_f32d9bd80efe8606094b106818637e22.jpg

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Huỳnh Văn Chương phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Việc hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về kiểm định diễn ra trong bối cảnh Bộ GD&ĐT đang xây dựng báo cáo tham chiếu Khung trình độ quốc gia Việt Nam với Khung tham chiếu trình độ ASEAN, đồng thời sửa đổi, bổ sung Khung trình độ quốc gia theo Quyết định số 78/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

z6649237235180_76c11bcf73c58a2b97e3a5f08842440b.jpg

Chuyên gia hướng dẫn tại hội nghị (Ảnh: Bộ GD&ĐT)

Tại hội nghị, các chuyên gia đã trực tiếp hướng dẫn chi tiết về phương pháp tự đánh giá, quy trình đánh giá ngoài chương trình đào tạo, giải đáp vướng mắc từ các cơ sở giáo dục. Đại diện Tổ chức Kiểm định chất lượng Vương quốc Anh (QAA) cũng chia sẻ về các giá trị cốt lõi, sứ mệnh và mô hình hoạt động của các tổ chức kiểm định độc lập theo chuẩn châu Âu và Vương quốc Anh.

Thông qua hội nghị, các đại biểu không chỉ được cập nhật chính sách mới mà còn cùng nhau thống nhất cách tiếp cận, tăng cường năng lực triển khai thực tiễn tại đơn vị. Đây được xem là bước tiến quan trọng trong việc xây dựng văn hóa chất lượng, đưa hoạt động kiểm định tại Việt Nam từng bước tiệm cận các tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo một cách bền vững./.

Bài liên quan
Bộ Y tế cho biết đang rà soát, cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế theo hướng bổ sung thuốc mới có hiệu quả điều trị cao, đồng thời đẩy mạnh số hóa thủ tục khám chữa bệnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Bộ Y tế cho biết đang rà soát, cập nhật danh mục thuốc bảo hiểm y tế theo hướng bổ sung thuốc mới có hiệu quả điều trị cao, đồng thời đẩy mạnh số hóa thủ tục khám chữa bệnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn.
Một lô sản phẩm sữa chống nắng DSK UV vừa bị đình chỉ lưu hành và thu hồi do không đạt chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
29/05/2025
Trước thực trạng mỹ phẩm vi phạm về công bố, quảng cáo và chất lượng, Sở Y tế Hà Nội đã có công văn yêu cầu tăng cường quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh sai phạm trên địa bàn.
29/05/2025
Với khoảng 2,6 triệu học sinh, hơn 3.500 cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, TP Hồ Chí Minh (mới) là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước.
29/05/2025
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương và đơn vị y tế đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt trong khám, chữa bệnh.
29/05/2025
Tin mới