Siết quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Thục Khuê (t/h) - Chủ nhật, ngày 20/07/2025 00:00 GMT+7

Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến đã đề xuất siết chặt nội dung quảng cáo với những sản phẩm, dịch vụ có ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường, nhằm bảo vệ cộng đồng trước các thông tin thiếu kiểm chứng.

Siết quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Ảnh minh hoạ: Corelens

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo sửa đổi, hiện đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lấy ý kiến rộng rãi, đã thu hút sự quan tâm lớn từ dư luận, đặc biệt ở những điểm liên quan đến việc tăng cường kiểm soát nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Luật Quảng cáo sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật mới được kỳ vọng sẽ xây dựng một môi trường quảng cáo minh bạch, trung thực và an toàn hơn cho người tiêu dùng, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh thị trường quảng cáo đang phát triển nhanh và phức tạp.

Một trong những nội dung nổi bật tại dự thảo là việc xác định rõ 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường cần được kiểm soát nghiêm ngặt về nội dung quảng cáo. Danh mục này bao gồm: mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa công thức, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, phân bón, giống cây trồng, giống vật nuôi, đồ uống có cồn và dịch vụ khám chữa bệnh. Dự thảo cũng để ngỏ khả năng bổ sung các nhóm sản phẩm khác tùy theo tình hình thực tế và nguy cơ phát sinh, cho thấy cách tiếp cận linh hoạt và bám sát thực tiễn.

Bên cạnh việc xác định nhóm sản phẩm đặc biệt, dự thảo cũng quy định cụ thể các yêu cầu bắt buộc về nội dung quảng cáo và các hành vi bị nghiêm cấm. Với mỹ phẩm, nội dung quảng cáo phải nêu rõ tên sản phẩm, công dụng, tính năng và thông tin liên hệ của đơn vị chịu trách nhiệm. Đáng chú ý, quảng cáo không được sử dụng hình ảnh, tên tuổi, trang phục của bác sĩ hoặc cơ sở y tế nhằm tăng độ tin cậy, để tránh gây hiểu nhầm rằng mỹ phẩm có tác dụng như thuốc điều trị. Đây là điểm mới cho thấy nỗ lực siết chặt trong quản lý nội dung quảng cáo, đặc biệt trong bối cảnh quảng cáo mỹ phẩm ngày càng tinh vi và dễ gây ngộ nhận.

Tương tự, với thực phẩm chức năng và thực phẩm cho chế độ ăn đặc biệt, dự thảo yêu cầu phải có cụm từ nhận diện rõ ràng như “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” kèm theo khuyến cáo: “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”. Dù quảng cáo dưới dạng âm thanh dưới 15 giây, phần cảnh báo này vẫn phải được thể hiện bằng chữ nếu không có phần lời đọc. Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng quảng cáo “lập lờ” khiến người tiêu dùng hiểu lầm thực phẩm chức năng là thuốc, điều vốn đã tồn tại phổ biến trên thị trường hiện nay.

Đối với sữa và các sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, dự thảo nêu rõ mọi nội dung quảng cáo đều phải bắt đầu bằng thông điệp: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”. Đồng thời, quảng cáo phải nhấn mạnh rằng sản phẩm chỉ mang tính bổ sung, dùng cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên. Đây là quy định được đánh giá là tiến bộ, góp phần bảo vệ quyền nuôi con bằng sữa mẹ và tránh để quảng cáo thương mại làm lu mờ vai trò thiết yếu của nguồn sữa mẹ đối với trẻ sơ sinh.

Dự thảo cũng đề cập đến việc phân định rõ trách nhiệm quản lý và kiểm soát nội dung quảng cáo giữa các bộ, ngành liên quan theo lĩnh vực chuyên môn. Việc phân quyền này sẽ giúp giảm tình trạng chồng chéo, tăng hiệu quả quản lý nhà nước và góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng khỏi các hành vi quảng cáo sai lệch, phóng đại hoặc tiềm ẩn rủi ro cho sức khỏe.

Việc sửa đổi và hoàn thiện các quy định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo lần này được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn thị trường quảng cáo đang biến động nhanh. Đồng thời, đây cũng là cam kết thể hiện rõ vai trò của Nhà nước trong việc chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng và giữ gìn môi trường sống an toàn, lành mạnh trong bối cảnh truyền thông thương mại ngày càng chi phối hành vi tiêu dùng./.

Bài liên quan
Trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép người từ 70 tuổi trở lên được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không cần giấy chuyển tuyến và sớm hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Y tế đã có phản hồi cụ thể.
Trước kiến nghị của cử tri về việc cho phép người từ 70 tuổi trở lên được khám chữa bệnh bảo hiểm y tế không cần giấy chuyển tuyến và sớm hưởng trợ cấp xã hội, Bộ trưởng Y tế đã có phản hồi cụ thể.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh xảy ra tại phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa và quyết định khởi tố bị can theo quy định của pháp luật.
20/07/2025
Dự thảo nghị quyết mới quy định 10 khoản thu và mức thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục công lập tại TP Hồ Chí Minh đang được lấy ý kiến, hướng tới thống nhất thực hiện từ năm học 2025–2026.
20/07/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa yêu cầu thu hồi và tiêu hủy 4 lô Dầu mù u Thái Dương trên toàn quốc sau khi phát hiện các sản phẩm này không rõ nguồn gốc và không đạt tiêu chuẩn chất lượng về thể tích.
20/07/2025
Nâng hỗ trợ đóng BHYT cho học sinh, sinh viên, thêm lựa chọn cấp thẻ điện tử… là loạt điểm mới trong Nghị định 188 vừa được Chính phủ ban hành.
20/07/2025
Tin mới