TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác sốt xuất huyết mùa mưa

VTV Times - Chủ nhật, ngày 25/05/2025 14:14 GMT+7

TP Hồ Chí Minh ghi nhận 7.690 ca sốt xuất huyết từ đầu năm, tăng 134% so với cùng kỳ.

TP Hồ Chí Minh: Cảnh giác sốt xuất huyết mùa mưa
Ảnh minh hoạ

Từ đầu năm đến ngày 18/5/2025, TP. Hồ Chí Minh đã ghi nhận 7.690 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 134% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, 112 trường hợp là ca bệnh nặng, chiếm 1,5% tổng số ca mắc. Số ca ở nhóm người trên 15 tuổi cao gấp rưỡi nhóm dưới 15 tuổi. Với dự báo thời tiết bước vào mùa mưa - điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, nguy cơ dịch bùng phát càng tăng cao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, công tác giám sát điểm nguy cơ tại các quận, huyện, TP Thủ Đức cho thấy lăng quăng vẫn xuất hiện rải rác, ngay cả trong mùa khô. Bất kỳ vật dụng nào chứa nước - từ chậu nước, lon sữa bò, máng nước thú cưng đến lốp xe cũ - đều có thể trở thành nơi sinh sản của muỗi nếu không được xử lý. Chỉ cần đọng nước khoảng một tuần, những vật dụng tưởng chừng vô hại này sẽ biến thành ổ lăng quăng nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ lan rộng sốt xuất huyết trong cộng đồng.

Do đó, ngay từ đầu mùa mưa, các địa phương cần đẩy mạnh chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị - xã hội cùng vào cuộc. Cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền cơ sở và các ban, ngành, đặc biệt phát huy hiệu quả của mạng lưới cộng tác viên y tế trong giám sát, nhắc nhở người dân xử lý điểm nguy cơ tại khu dân cư.

Tuy nhiên, nỗ lực từ ngành y tế là chưa đủ. Phòng chống sốt xuất huyết chỉ hiệu quả khi mỗi người dân nhận thức rõ vai trò của mình trong việc loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Cụ thể, người dân cần che kín các vật chứa nước sinh hoạt, chà rửa bồn chứa mỗi tuần một lần, lật úp các dụng cụ không dùng đến và khơi thông dòng chảy quanh nhà để tránh đọng nước. Đồng thời, nên ngủ mùng, sử dụng kem xua muỗi, bình xịt, vợt điện để hạn chế muỗi đốt.

Khi có dấu hiệu sốt, người dân cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị, không tự ý dùng thuốc tại nhà. Ngoài ra, nếu phát hiện điểm nguy cơ có lăng quăng trong khu vực, người dân có thể phản ánh trực tiếp qua ứng dụng "Y tế trực tuyến" để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Chủ động phòng bệnh là hành động cần thiết và cấp bách, không chỉ để bảo vệ chính mình mà còn giúp cộng đồng tránh khỏi nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết trong mùa mưa sắp tới./.

Bài liên quan
Khoa Da liễu – Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 10 tuổi bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa khi tắm biển, gióng lên hồi chuông cảnh báo về các tai nạn tiềm ẩn trong mùa du lịch biển.
Khoa Da liễu – Bệnh viện Nhi Trung ương mới đây đã tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhi 10 tuổi bị viêm da nặng do tiếp xúc với sứa khi tắm biển, gióng lên hồi chuông cảnh báo về các tai nạn tiềm ẩn trong mùa du lịch biển.
Cục An toàn thực phẩm phát động tháng cao điểm, yêu cầu các địa phương lập đoàn kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu, quảng cáo sai sự thật và sản xuất thực phẩm giả.
25/05/2025
Một số loại vitamin quen thuộc như B3, D, E, C hay nhóm B-complex không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể mà còn được các nghiên cứu ghi nhận có vai trò hỗ trợ làm giảm mỡ máu – yếu tố nguy cơ hàng đầu gây bệnh tim mạch, đột quỵ.
25/05/2025
Theo một nghiên cứu tại Mỹ, nhóm thuốc GLP-1 không chỉ giảm cân mà còn làm giảm nguy cơ ung thư liên quan đến béo phì, đặc biệt ở nữ giới.
25/05/2025
Nhiều người vẫn đang thoa kem chống nắng sai cách mà không hề hay biết, khiến làn da không được bảo vệ như mong muốn. Hãy cùng kiểm tra lại lượng kem, cách thoa và những mẹo nhỏ giúp kem phát huy hiệu quả tối đa.
25/05/2025
Tin mới