Việt - Pháp tăng cường hợp tác giáo dục, hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn

Thục Khuê (t/h) - Thứ ba, ngày 27/05/2025 00:00 GMT+7

Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong số các quốc gia nhận học bổng từ Chính phủ Pháp, với tổng ngân sách khoảng 2,5 triệu Euro mỗi năm, chỉ xếp sau Trung Quốc và Brazil. Đây là minh chứng cho sự phát triển bền vững của quan hệ hợp tác giáo dục song phương.

Việt - Pháp tăng cường hợp tác giáo dục, hướng tới đào tạo nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn
Nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam tìm hiểu về các ngành kinh tế, khoa học trong các hội thảo du học Pháp. Ảnh: Viện Pháp tại Việt Nam

Các chương trình hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp đã được xây dựng và phát triển vững chắc từ nhiều năm qua, góp phần củng cố tình hữu nghị giữa hai quốc gia. Mối quan hệ này được kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng và đi vào chiều sâu, hướng tới mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển đất nước.

Sáng 26/5, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Macron đã có cuộc hội đàm và gặp gỡ báo chí. Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch nước Lương Cường cho biết, hai bên đã nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực Pháp có thế mạnh như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, dược phẩm; thúc đẩy chuyển giao và làm chủ công nghệ. Việt Nam đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường giảng dạy tiếng Pháp và mở rộng các chương trình học bổng dành cho học sinh, sinh viên Việt Nam.

Trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, hợp tác song phương diễn ra sôi nổi ở nhiều cấp bậc và chuyên ngành. Một trong những minh chứng tiêu biểu là chương trình song ngữ Pháp - Việt, chính thức triển khai từ năm học 1994 - 1995, ban đầu do Chính phủ Pháp thực hiện, đến năm 2006 chuyển giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam quản lý nhưng vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực, đặc biệt trong công tác đào tạo giáo viên. Trải qua hơn 3 thập niên, chương trình đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ học sinh có nền tảng ngoại ngữ vững chắc, mở ra cơ hội du học Pháp cũng như tiếp cận tri thức toàn cầu.

Tiếp nối hiệp định liên chính phủ về giáo dục ký kết tại Paris vào tháng 10/2024, một dự án trị giá 1 triệu Euro đã được Đại sứ quán Pháp và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phối hợp triển khai, dành riêng cho giáo viên và học sinh. Ngay từ mùa hè năm nay, 30 suất trao đổi sẽ được tổ chức, tạo điều kiện để giáo viên và học sinh Việt Nam sang Pháp học tập và trải nghiệm. Chương trình này sẽ tiếp tục được triển khai vào mùa hè năm 2026.

Hiện tại, Việt Nam có 3 cơ sở đào tạo đại học theo mô hình Pháp - Việt, gồm Trung tâm đào tạo về quản lý Pháp - Việt (CFVG), Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV) và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH). Đây đều là những mô hình hợp tác thành công, đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Pháp và quốc tế. Mỗi năm, các đơn vị này liên tục cập nhật chương trình đào tạo và mở thêm các ngành học mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường lao động trong nước. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 15.000 kỹ sư được đào tạo tại Pháp hoặc thông qua các chương trình đào tạo của Pháp tại Việt Nam, và mục tiêu là sẽ đạt 20.000 kỹ sư vào năm 2030.

Bên cạnh đó, trong hơn 3 thập niên qua, hợp tác y tế giữa hai nước cũng đạt được nhiều thành quả tích cực, góp phần đào tạo khoảng 3.000 bác sĩ và cán bộ y tế chất lượng cao. Đây là nguồn nhân lực quan trọng trong quá trình hiện đại hóa ngành y tế Việt Nam.

Những chương trình hợp tác nói trên đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên Việt Nam có nguyện vọng du học tại Pháp. Theo số liệu của Campus France Việt Nam - cơ quan trực thuộc Đại sứ quán Pháp chuyên trách về quảng bá giáo dục đại học Pháp, tính đến cuối năm 2023, đã có 5.250 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp. Trong đó, lĩnh vực kinh tế và quản trị kinh doanh thu hút đông đảo sinh viên Việt Nam nhất (1.581 người), tiếp theo là các ngành khoa học - kỹ thuật (1.254 người). Đáng chú ý, sinh viên Việt ngày càng quan tâm đến những lĩnh vực mới như quản trị chuỗi cung ứng, trí tuệ nhân tạo, phân tích và xử lý dữ liệu – những ngành học được kỳ vọng sẽ trở thành động lực tăng trưởng trong tương lai gần.

Từ nền tảng hợp tác sẵn có, Việt Nam và Pháp hoàn toàn có thể cùng hướng đến mục tiêu đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành mũi nhọn, đặc biệt là năng lượng hạt nhân và giao thông đường sắt cao tốc – hai lĩnh vực chiến lược trong tiến trình phát triển bền vững.

Chia sẻ với báo chí, ông Võ Tuyết Hồ – kỹ sư với 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Pháp, hiện là thanh tra thiết kế các lò phản ứng hạt nhân – cho biết, ông là cựu học sinh chương trình song ngữ Pháp - Việt tại Trường THCS Thực nghiệm Sư phạm (nay là Trường Trung học thực hành Sài Gòn) và Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh). Sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông sang Pháp theo học ngành cơ học kết cấu tại INSA Rouen – một trong những cơ sở đào tạo kỹ sư hàng đầu của Pháp. Từ nền tảng học vấn đó, ông đã gắn bó với ngành năng lượng hạt nhân gần 2 thập kỷ.

Theo ông Hồ, Pháp có hệ thống đào tạo bài bản trong lĩnh vực hạt nhân với các trường kỹ sư như INSA, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân quốc gia (INSTN), các đại học tổng hợp chuyên sâu về vật lý hạt nhân… Ngoài ra, còn có những học viện chuyên ngành như Institut de Soudure đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư về hàn và vật liệu kim loại. Ông nhấn mạnh, học sinh Việt Nam có lợi thế vượt trội khi học tốt các môn khoa học tự nhiên như toán, lý, hóa – đây là nền tảng cần thiết để chinh phục các chương trình đào tạo kỹ sư khắt khe ở Pháp.

Ông cũng cho biết, hơn 70% điện năng tại Pháp hiện nay được sản xuất từ năng lượng hạt nhân – tỷ lệ cao nhất trong Liên minh châu Âu. Điều này tạo điều kiện để chương trình đào tạo trong lĩnh vực này gắn chặt với thực tiễn, giúp sinh viên có cơ hội làm việc với các chuyên gia từ Cơ quan Điện lực quốc gia Pháp (EDF), Ủy ban Năng lượng nguyên tử và năng lượng thay thế (CEA), cũng như thực tập và tham gia trực tiếp vào các dự án nghiên cứu.

dien-hat-nhan-afp-22302780303581786077327.webp

Điện hạt nhân chiếm tỷ lệ lớn trong các nguồn cung cấp năng lượng tại Pháp. Ảnh: AFP

Ngoài năng lượng hạt nhân, giao thông đường sắt cũng là thế mạnh của Pháp. Với hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện, tàu cao tốc phủ khắp từ Paris đến các vùng ngoại ô và các thành phố lớn nhỏ trên cả nước, Pháp đã trở thành hình mẫu phát triển giao thông bền vững. Tại các trường đào tạo như ESTACA – nơi có chương trình kỹ sư chuyên ngành giao thông đường sắt – sinh viên được học tới 400 giờ cùng các chuyên gia của Cơ quan Đường sắt quốc gia Pháp (SNCF), đồng thời tham gia nhiều dự án thực tế. Đây là môi trường lý tưởng để Việt Nam học hỏi và thúc đẩy đào tạo nhân lực cho lĩnh vực đường sắt cao tốc – một mục tiêu chiến lược trong tương lai.

26072024-mang-luoi--uong-sat-cao-toc-cua-phap-95803329984412463057316-62086046749892950022244.webp

Pháp cũng là một trong những quốc gia có hệ thống giao thông đường sắt phát triển bậc nhất châu Âu. Ảnh: Akhbar Al Yawm News Agency

Nhìn chung, hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Pháp đang phát triển ngày càng sâu sắc và thực chất, hướng tới đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ chuyển đổi số, công nghiệp hóa và hội nhập toàn cầu./.

Bài liên quan
Ngộ độc thuốc và hóa chất ở trẻ nhỏ không chỉ là tai nạn thường gặp mà còn tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Điều đáng nói, nhiều trường hợp bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt tưởng chừng vô hại của người lớn.
Ngộ độc thuốc và hóa chất ở trẻ nhỏ không chỉ là tai nạn thường gặp mà còn tiềm ẩn nguy cơ tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời. Điều đáng nói, nhiều trường hợp bắt nguồn từ những thói quen sinh hoạt tưởng chừng vô hại của người lớn.
Bộ Y tế yêu cầu Shopee, Lazada gỡ sản phẩm thực phẩm chức năng chưa công bố, ngừng kinh doanh hàng vi phạm và báo cáo kết quả xử lý trước 30/5/2025.
27/05/2025
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) yêu cầu thu hồi lô Hanayuki Conditioner do chứa chất không công bố, vi phạm chất lượng. Hai công ty liên quan bị tạm dừng sản xuất, kinh doanh.
27/05/2025
Một nghiên cứu mới từ nhóm các nhà khoa học Ireland cho thấy các hóa chất tạo mùi trong thuốc lá điện tử, đặc biệt là diacetyl, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng, dẫn đến căn bệnh viêm tiểu phế quản tắc nghẽn – thường được biết đến với tên gọi “phổi bỏng ngô”.
27/05/2025
Tình trạng rao bán tràn lan Kit test, thuốc trị COVID-19 không rõ nguồn gốc trên mạng đang khiến giới chuyên môn lo ngại về những rủi ro cho sức khỏe cộng đồng.
27/05/2025
Tin mới