Dù đã nỗ lực ăn kiêng và tập luyện, nhưng cân nặng vẫn không suy giảm hoặc thậm chí tăng lên. TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, chỉ ra 8 nguyên nhân phổ biến khiến nhiều người thất bại trong hành trình giảm cân của mình.
Giảm cân là quá trình loại bỏ mỡ thừa trong cơ thể bằng cách cắt giảm năng lượng nạp vào thông qua chế độ ăn uống hợp lý và tăng tiêu hao năng lượng bằng việc vận động thể lực kết hợp với giấc ngủ đủ và chất lượng.
Để giảm cân hiệu quả, người bệnh cần kiên trì thực hiện chế độ ăn và luyện tập ít nhất trong vòng 6 tháng. Trước tiên là điều chỉnh khẩu phần ăn theo hướng khoa học, hạn chế thực phẩm nhiều chất béo, nhiều muối như đồ chiên rán, thức ăn chế biến sẵn, thay thế bằng các món luộc, hấp. Cần đặc biệt chú ý không ăn tối muộn và tuyệt đối không nhịn ăn để giảm cân, mà nên lựa chọn những thực phẩm ít năng lượng nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng.
Song song với đó, người muốn giảm cân cần duy trì một lối sống năng động, tích cực vận động thể lực bằng những hình thức đơn giản như đi bộ, chạy bộ. Trong đó, chạy bộ tại chỗ là một lựa chọn linh hoạt và hiệu quả. Bạn có thể thực hiện ngay tại nhà mà không cần đến phòng tập, miễn là đảm bảo kỹ thuật tương tự như khi chạy bình thường. Mục tiêu cuối cùng là để lượng calo nạp vào ít hơn lượng calo tiêu hao trong ngày.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít người đã thất bại dù đã rất nỗ lực. Theo TS BS Trương Hồng Sơn, có ít nhất 8 nguyên nhân phổ biến khiến quá trình giảm cân của bạn không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Thứ nhất, bạn đang đặt ra kỳ vọng không thực tế. Giảm cân là một quá trình đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Nhiều người nhanh chóng nản chí khi không thấy kết quả tức thì. Mặc dù trong giai đoạn đầu, cơ thể có thể giảm nhanh nhưng để duy trì được kết quả lâu dài thì không hề đơn giản.
Thứ hai, bạn không kiểm soát được lượng calo nạp vào – hoặc ăn quá nhiều, hoặc ăn quá ít. Việc ăn nhiều là nguyên nhân hiển nhiên khiến cân nặng tăng, nhưng ăn kiêng quá mức, đặc biệt là dưới 1.000 calo/ngày, lại khiến cơ thể rơi vào trạng thái đói kéo dài, làm chậm quá trình trao đổi chất, thậm chí làm mất khối cơ bắp quý giá.
Thứ ba, bạn không ăn đủ protein. Bổ sung protein ở mức 25 - 30% tổng lượng calo hàng ngày có thể tăng cường quá trình trao đổi chất thêm 80 - 100 calo mỗi ngày. Đồng thời, protein cũng giúp bạn cảm thấy no lâu hơn, giảm cảm giác thèm ăn và hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả thông qua việc điều hòa các hormone liên quan đến cảm giác đói như ghrelin và leptin. Chế độ ăn giàu protein còn giúp ngăn ngừa tăng cân trở lại sau khi giảm.
Thứ tư, bạn thiếu chất xơ trong chế độ ăn. Chất xơ không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn tạo cảm giác no, giúp bạn ăn ít hơn và giảm bớt lượng calo nạp vào trong ngày.
Thứ năm, bạn không uống đủ nước. Một ly nước trước bữa ăn có thể giúp giảm cân hiệu quả. Một nghiên cứu kéo dài 12 tuần đã chỉ ra rằng những người uống nửa lít nước 30 phút trước bữa ăn có thể giảm tới 44% trọng lượng so với nhóm không uống nước. Nước cũng được chứng minh giúp tăng lượng calo bị đốt cháy thêm 24 - 30% trong khoảng 1,5 giờ sau khi uống, do đó việc uống đủ nước xuyên suốt cả ngày là điều vô cùng quan trọng.
Thứ sáu, thiếu ngủ là một nguyên nhân quan trọng nhưng thường bị bỏ qua. Thiếu ngủ làm rối loạn hai loại hormone chính điều tiết cảm giác đói là ghrelin (kích thích cảm giác đói) và leptin (ức chế cơn đói). Khi ngủ không đủ, lượng leptin giảm khiến bạn luôn cảm thấy đói và trao đổi chất bị chậm lại. Thiếu ngủ cũng làm tăng tiết hormone cortisol – một loại hormone liên quan đến stress và cũng ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn.
Thứ bảy, bạn tập thể dục quá mức. Dù vận động là yếu tố then chốt trong giảm cân, nhưng tập luyện quá sức lại phản tác dụng. Khi cơ thể bị viêm do vận động quá mức, nó có xu hướng giữ lại mỡ và khiến việc giảm cân trở nên khó khăn hơn. Hơn nữa, khi cơ thể đã quen với một chế độ tập luyện cố định, hiệu quả đốt cháy calo sẽ giảm dần theo thời gian.
Thứ tám, bạn có thể đang gặp một số vấn đề về sức khỏe làm cản trở quá trình giảm cân. Các bệnh lý như suy giáp, hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), ngưng thở khi ngủ, hay tác dụng phụ của một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến cân nặng. Trong những trường hợp này, việc giảm cân cần được theo dõi và hướng dẫn bởi bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và hiệu quả.
TS.BS Trương Hồng Sơn khuyến cáo: Nếu cần giảm cân, bạn nên có sự tư vấn từ bác sĩ thay vì tự ý sử dụng các sản phẩm không rõ nguồn gốc, thường được quảng cáo rầm rộ trên mạng. Việc giảm cân sai cách không những không hiệu quả mà còn có thể gây hại nghiêm trọng đến sức khỏe./.