Bảo đảm ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán

Thục Khuê (t/h) - Thứ hai, ngày 16/12/2024 14:26 GMT+7

Nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm là cơ hội để hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, Hà Nội đang tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm, nhằm bảo đảm thị trường ổn định trong dịp Tết.

Bảo đảm ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán
Lực lượng chức năng thu giữ nhiều sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu đã được bảo hộ tại xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm). Ảnh: Hà Nội mới

Dịp Tết Nguyên đán luôn là cao điểm của các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại. Các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội gần đây đã phát hiện nhiều vụ vi phạm lớn.

Tại xã Đình Xuyên (Gia Lâm), đoàn kiểm tra liên ngành đã thu giữ gần 12.000 sản phẩm tất chân nghi giả mạo các nhãn hiệu lớn như Nike, Adidas. Cơ sở kinh doanh này không chỉ bán trực tiếp mà còn sử dụng mạng xã hội để tiêu thụ hàng hóa. Trong một vụ khác tại Hoài Đức, hơn 37.000 nhãn mác và hàng chục nghìn đôi tất giả nhãn hiệu đã bị phát hiện và tịch thu.

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo 389, trong tháng 11/2024, các lực lượng chức năng đã xử lý 1.801 vụ vi phạm, khởi tố 6 vụ với 19 bị can, thu nộp ngân sách hơn 415 tỷ đồng. Cục Quản lý thị trường kiểm tra 359 vụ, xử phạt hơn 3,8 tỷ đồng. Cục Hải quan cũng xử lý 183 vụ, với giá trị hàng vi phạm lên tới 11,9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù các biện pháp kiểm tra được tăng cường, tình trạng vi phạm vẫn chưa giảm. Các đối tượng ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi như khai sai thông tin hàng hóa, che giấu nguồn gốc, trà trộn hàng vi phạm vào hàng hợp pháp. Đặc biệt, thương mại điện tử và các nền tảng như Facebook, Zalo, TikTok đang trở thành môi trường để buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả dễ dàng hơn.

Trả lời phỏng vấn báo Hà Nội mới, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhu cầu cao dịp Tết như bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm. Ngoài ra, các khu vực như chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các tuyến giao thông trọng điểm và các sàn thương mại điện tử cũng là mục tiêu kiểm tra trọng điểm.

“Dịp cuối năm, nhiều doanh nghiệp triển khai chương trình khuyến mại, các đối tượng thường lợi dụng tình hình này để trà trộn hàng lậu vào thị trường. Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính", ông Kiên nhấn mạnh.

Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường giám sát và chủ động phát hiện các thủ đoạn mới. Mục tiêu là ngăn chặn từ gốc các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời đảm bảo nguồn cung hàng hóa đạt chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá bất hợp lý.

Việc phối hợp giữa các cơ quan như quản lý thị trường, công an, hải quan và chính quyền địa phương cũng đang được đẩy mạnh. Nhờ đó, Hà Nội hướng tới một thị trường ổn định, minh bạch hơn, đảm bảo mọi người dân đều có thể yên tâm đón Tết. 

Bài liên quan
Đối với ngành da giày, 6 tháng cuối năm là chặng đường đầy thách thức khi Mỹ và EU đang đặt ra yêu cầu về sản xuất xanh hơn và nguồn gốc nguyên vật liệu.
Đối với ngành da giày, 6 tháng cuối năm là chặng đường đầy thách thức khi Mỹ và EU đang đặt ra yêu cầu về sản xuất xanh hơn và nguồn gốc nguyên vật liệu.
Tính đến nay, sản lượng tiêu thụ vải thiều đạt hơn 182.500 tấn, vượt hơn 105% kế hoạch.
16/12/2024
Hiện nay, nhiều loại trái cây đặc sản ở tỉnh Đồng Tháp tiếp tục giảm giá sâu, khiến nhà vườn thua lỗ nặng.
16/12/2024
Từ tháng 6 đến tháng 7, măng cụt bước vào chính vụ thu hoạch tại xã Tam Ngãi, tỉnh Vĩnh Long - một trong những vùng trồng măng cụt nổi tiếng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, thay vì không khí thu hoạch rộn ràng như mọi năm, nhiều nhà vườn năm nay lặng lẽ vì mất mùa nặng.
16/12/2024
6 tháng đầu năm 2025, Việt Nam đã xuất khẩu được 388 lô sầu riêng đông lạnh với sản lượng 14.282 tấn, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2024.
16/12/2024
Tin mới