Khi trẻ bị ốm, bên cạnh điều trị bằng thuốc, việc bổ sung dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức đề kháng và rút ngắn thời gian điều trị.
Thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa nắng - mưa, với nhiệt độ và độ ẩm thay đổi thất thường, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển và lây lan. Trẻ nhỏ với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng giảm sút hậu đại dịch COVID-19. Một số bệnh truyền nhiễm có vaccine phòng ngừa đã bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, trong khi các bệnh lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng gia tăng, làm tăng nguy cơ mắc bệnh cho trẻ nhỏ.
Theo chuyên gia dinh dưỡng, khi trẻ bị ốm, cơ thể không chỉ mệt mỏi mà còn tăng nhu cầu năng lượng do sốt, viêm nhiễm. Trẻ thường chán ăn, dễ sút cân, nguy cơ suy dinh dưỡng cao hơn nếu không được chăm sóc dinh dưỡng đúng cách. Suy dinh dưỡng không chỉ ảnh hưởng đến sự phục hồi bệnh mà còn để lại hậu quả lâu dài tới sự phát triển thể chất, trí tuệ và khả năng học tập sau này. Vì vậy, việc đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng khi trẻ ốm không chỉ giúp cải thiện thể trạng mà còn tăng hiệu quả điều trị và rút ngắn thời gian nằm viện.
Một chế độ ăn đầy đủ vi chất dinh dưỡng còn đóng vai trò thiết yếu trong việc tổng hợp các yếu tố miễn dịch. Các khoáng chất như sắt và kẽm giúp tăng khả năng sản xuất tế bào miễn dịch, nâng cao sức đề kháng. Sắt là thành phần quan trọng trong quá trình hình thành tế bào Lympho T – một trong những chiến binh quan trọng của hệ miễn dịch, trong khi kẽm vừa là thành phần cấu tạo, vừa là chất xúc tác kích thích hoạt động của hệ thống miễn dịch. Do đó, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ góp phần hạn chế biến chứng và giảm nguy cơ tử vong, đặc biệt với trẻ mắc bệnh nặng.
Khi trẻ bị ốm, việc chăm sóc dinh dưỡng cần được cá nhân hóa phù hợp với lứa tuổi và tình trạng bệnh. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ, cần tiếp tục duy trì việc bú bình thường, tăng số lần bú và kéo dài thời gian mỗi lần bú để bù lại năng lượng tiêu hao. Trong trường hợp trẻ bị nghẹt mũi, mệt quá không bú được, cần vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa để đảm bảo nguồn dinh dưỡng.
Với trẻ từ 6 tháng trở lên, ngoài sữa mẹ, cần cho trẻ ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày với thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa kết hợp bổ sung dầu mỡ để tăng năng lượng khẩu phần. Thức ăn nên nấu chín mềm, dễ tiêu hóa và được cho ăn ngay sau khi chế biến để đảm bảo vệ sinh. Việc bổ sung các loại trái cây tươi như chuối, đu đủ, xoài, cam, chanh… cũng rất cần thiết để tăng lượng vitamin và khoáng chất, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động tốt hơn.
Cho trẻ ăn thức ăn mềm khi bị ốm. Ảnh:CDC Đồng Nai
Nhiều phụ huynh khi thấy con ốm thường kiêng khem quá mức, trong khi thực tế, không cần thiết phải tránh tôm, cá, rau xanh hay dầu mỡ – những thực phẩm thiết yếu cho sự phục hồi. Trẻ cần được uống nhiều nước, đặc biệt khi bị tiêu chảy để bù lượng nước mất. Tuy nhiên, cần tránh đồ uống có đường, nước ngọt có gas hay các loại thực phẩm nhiều chất xơ, ít giá trị dinh dưỡng như ngô, đậu nguyên hạt.
Trong trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp gây nghẹt mũi, cần vệ sinh mũi để trẻ dễ thở và ăn uống dễ dàng hơn. Phụ huynh cũng cần dành thời gian chăm sóc, dỗ dành để trẻ ăn được nhiều hơn. Ngoài ra, không nên nhầm lẫn nước cháo, súp hay dung dịch Oresol là thức ăn, vì chúng chỉ giúp bù nước chứ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.
Tóm lại, giai đoạn giao mùa hiện tại là thời điểm nhạy cảm khiến trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm. Khi trẻ bị ốm, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời, đồng thời chú trọng chế độ dinh dưỡng phù hợp. Dinh dưỡng đúng cách không chỉ giúp trẻ nhanh hồi phục mà còn hỗ trợ phát triển toàn diện về lâu dài./.