Một nghiên cứu mới từ nhóm các nhà khoa học Ireland cho thấy các hóa chất tạo mùi trong thuốc lá điện tử, đặc biệt là diacetyl, có thể gây tổn thương phổi nghiêm trọng, dẫn đến căn bệnh viêm tiểu phế quản tắc nghẽn – thường được biết đến với tên gọi “phổi bỏng ngô”.
“Phổi bỏng ngô” là cách gọi phổ biến của bệnh viêm tiểu phế quản tắc nghẽn – một căn bệnh đường hô hấp nguy hiểm từng xuất hiện nhiều ở công nhân nhà máy bỏng ngô vi sóng tại Mỹ đầu những năm 2000. Tên gọi này bắt nguồn từ việc các bệnh nhân từng hít phải diacetyl – một loại hóa chất tạo mùi bơ béo đặc trưng trong bỏng ngô, cũng chính là thành phần phổ biến trong nhiều loại tinh dầu thuốc lá điện tử hiện nay.
Trong nghiên cứu mới nhất, nhóm chuyên gia Ireland đã phân tích dữ liệu từ hơn 39.000 thanh thiếu niên ở độ tuổi 16 - 19 tại nhiều quốc gia khác nhau. Kết quả cho thấy các triệu chứng về hô hấp như ho dai dẳng, khó thở, đau tức ngực và thở khò khè đang ngày càng phổ biến ở người trẻ hút thuốc lá điện tử. Đây đều là những biểu hiện lâm sàng đặc trưng của bệnh “phổi bỏng ngô”.
(Ảnh: Central Coast Local Health District)
Không chỉ gây ra phản ứng viêm, diacetyl còn có thể làm tổn thương và tạo sẹo vĩnh viễn tại các tiểu phế quản – phần nhỏ nhất trong hệ thống hô hấp, nơi không khí đi qua để đến phế nang. Tổn thương tại đây có thể khiến bệnh nhân khó thở kéo dài suốt đời. Điều đáng lo ngại là diacetyl không phải hóa chất nguy hại duy nhất được tìm thấy trong thuốc lá điện tử. Một số hợp chất carbonyl dễ bay hơi khác như formaldehyde và acetaldehyde – vốn được sinh ra trong quá trình đốt nóng tinh dầu – cũng được chứng minh là có hại không kém.
Hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh “phổi bỏng ngô”. Khi phổi đã bị tổn thương, các can thiệp y tế chỉ có thể kiểm soát triệu chứng như dùng thuốc giãn phế quản, corticosteroid hoặc thậm chí trong trường hợp nặng là ghép phổi. Vì thế, theo các chuyên gia, phòng ngừa là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe đường hô hấp, đặc biệt là đối với giới trẻ.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là số lượng lớn các hương liệu đang được sử dụng trong thuốc lá điện tử hiện nay. Các nhà khoa học ước tính có hơn 180 loại hóa chất tạo mùi khác nhau. Khi bị đốt nóng, nhiều chất này có thể biến đổi thành các hợp chất mới, một số trong đó chưa từng được kiểm nghiệm về mức độ an toàn khi xâm nhập vào phổi qua đường hít.
Dù đã có nhiều cảnh báo và quy định hạn chế, diacetyl vẫn xuất hiện trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử trên thị trường. Thậm chí, các chất thay thế như acetoin và 2,3-pentanedione – vốn được sử dụng để thay diacetyl – cũng bị nghi ngờ có độc tính tương tự, tiếp tục đặt người sử dụng vào tình trạng rủi ro cao về sức khỏe hô hấp.
Trong bối cảnh xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng lan rộng ở người trẻ, các nhà khoa học cảnh báo cộng đồng không nên xem nhẹ những nguy cơ tiềm tàng. Hương liệu thơm, vị ngọt hay cảm giác “nhẹ” khi sử dụng không đồng nghĩa với sự an toàn. Trái lại, những hóa chất tưởng chừng vô hại ấy có thể là nguyên nhân âm thầm gây nên tổn thương phổi nghiêm trọng, không thể phục hồi./.