Hàng loạt sản phẩm nghi giả mạo các thương hiệu nổi tiếng đang được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội với thủ đoạn tinh vi. Làm thế nào để người tiêu dùng có thể nhận biết và tránh sập bẫy?
Một khách hàng ở Hà Nội thường xuyên mua sắm qua mạng xã hội. Trong một lần lướt Facebook, chị thấy một trang giới thiệu mỹ phẩm Kiehl's với biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương", kèm ưu đãi giảm giá tới 45%. Tin tưởng đây là hàng chính hãng, chị quyết định đặt mua ngay.
Khi nhận hàng, bao bì sản phẩm trông giống hệt hàng thật, nhưng chất lượng sử dụng lại không đạt như mong đợi. Sau khi kiểm tra kỹ, chị phát hiện trang web mua hàng có đuôi ".net.vn", gần giống trang chính hãng ".com.vn". Từ giao diện, nội dung, đến các biểu tượng xác thực, mọi chi tiết đều được làm giả rất tinh vi.
Tương tự, gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một quảng cáo giảm giá tới 70% các sản phẩm nước hoa Chanel, với lý do "Chanel Hàn Quốc rút khỏi Việt Nam do tình hình bất ổn". Những ưu đãi "hấp dẫn" này đi kèm các bài viết nhấn mạnh số lượng có hạn và đếm ngược thời gian mua sắm. Website đính kèm cũng hiển thị biểu tượng "đã thông báo Bộ Công Thương", khiến người tiêu dùng dễ dàng tin tưởng đây là hàng chính hãng.
Các chiêu trò này lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội và thói quen mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng. Chúng thường nhắm đến các thời điểm cuối năm – mùa mua sắm nhộn nhịp với nhiều ưu đãi lớn, khiến người mua dễ mất cảnh giác.
Lợi dụng thuật toán phân tích hành vi của các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng tạo ra fanpage và website giả mạo để tiếp cận người dùng bằng quảng cáo nhắm mục tiêu. Các chương trình khuyến mãi giảm giá lớn hoặc tặng quà miễn phí thường là chiêu trò thu hút người tiêu dùng.
Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đã tăng cường các biện pháp kiểm soát và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết việc phòng chống hàng giả, hàng nhái là một nhiệm vụ quan trọng và phức tạp trong nền kinh tế thị trường.
Cục An toàn thông tin cũng khuyến nghị người tiêu dùng cần thận trọng khi giao dịch trực tuyến, đặc biệt qua các nền tảng mạng xã hội. Trước khi mua hàng, cần xác minh danh tính người bán, độ uy tín của trang web và chất lượng sản phẩm. Không nên chuyển tiền đặt cọc hoặc cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP cho các nguồn không rõ ràng.
Ngoài ra, người dùng cần tỉnh táo trước những chương trình giảm giá bất ngờ hoặc lợi nhuận cao mà không có cơ sở rõ ràng. Việc không truy cập các liên kết đáng ngờ hoặc tải về tệp từ nguồn không đáng tin cũng là cách bảo vệ an toàn thông tin.
Người dân được khuyến cáo nâng cao ý thức cảnh giác, chỉ thực hiện giao dịch qua các kênh chính thức của thương hiệu, đồng thời thường xuyên cập nhật các cảnh báo từ cơ quan chức năng để tránh trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo ngày càng tinh vi.