Bộ Y tế Uganda cho biết số người mắc Ebola được xác nhận tại nước này đã tăng lên 9 trường hợp, trong đó có một ca tử vong.
Trong một tuyên bố vào cuối ngày 10/2, Bộ Y tế Uganda thông tin trong số các ca mắc Ebola mới, 7 bệnh nhân đang được điều trị tại một bệnh viện ở thủ đô Kampala và 1 người đang được điều trị tại bệnh viện tại thành phố Mbale ở miền Đông, gần biên giới với Kenya.
Bộ Y tế Uganda cho biết thêm rằng cả 8 bệnh nhân còn sống hiện trong tình trạng ổn định và 265 người tiếp xúc với các ca bệnh đã được cách ly.
Uganda đã tuyên bố bùng phát dịch Ebola - căn bệnh do virus nghiêm trọng, thường gây tử vong - vào cuối tháng 1. Đợt bùng phát Ebola mới nhất này là do chủng virus Ebola Sudan gây ra. Hiện vẫn chưa có vaccine được phê chuẩn đối với chủng này.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các triệu chứng mắc bệnh Ebola xuất hiện trong khoảng từ 2 đến 21 ngày sau khi nhiễm bệnh và có thể bao gồm sốt, nhức đầu dữ dội, đau cơ, mệt mỏi, đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, chảy máu mũi, nướu răng, tai và mắt... Vì bệnh này có khả năng lây nhiễm cao nên bệnh nhân phải được cách ly và điều trị kịp thời.
Uganda đã bắt đầu tiêm chủng virus Ebola Sudan thử nghiệm vào ngày 3/2, 4 ngày sau khi đợt bùng phát mới được xác nhận (Ảnh: AFP)
Uganda đã triển khai chương trình tiêm vaccine thử nghiệm chống lại chủng virus Sudan - WHO cho biết vào đầu tháng 2 năm nay.
"Loại vaccine này dựa trên cùng một nền tảng đã được sử dụng để phát triển vaccine ngăn ngừa chủng virus Ebola Zaire rất hiệu quả. Vì vậy, tôi tin rằng vaccine này sẽ đạt hiệu quả như mong muốn" - ông Mike Ryan, Giám đốc tình trạng khẩn cấp của WHO, nói.
Ông Mike Rya lưu ý rằng có khoảng 2.400 loại vaccine ngừa Ebola ở Uganda, đồng thời nói thêm rằng vaccine được phát triển phục vụ các tình huống bùng phát dịch.
Tuy nhiên, đợt bùng phát Ebola hiện tại ở Uganda đã đi kèm với những thách thức mới. Một trong những thách thức chính trong số đó dường như là việc thiếu thông tin chính xác từ các cơ quan chính phủ về đợt bùng phát, và sự phản đối từ các doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Họ lập luận rằng cách công bố đợt bùng phát gây tổn hại đến ngành công nghiệp này. Sự do dự trong việc tiếp cận loại vaccine mới của một số người nhiễm virus hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh cũng là một yếu tố./.